Làm sao để Cục Báo chí khỏi cần đường dây nóng?
Cục Báo chí vừa đưa vào hoạt động đường dây nóng để đối phó với tình trạng lợi dụng danh nghĩa nhà báo để sách nhiễu người dân hay doanh nghiệp và chuyện giả danh nhà báo để làm điều sai trái.
Ngoài đường dây nóng, Cục cũng có địa chỉ email để những người quan tâm có thể liên hệ.
Nhưng vì sao tình trạng nhà báo “bẩn” và giả danh nhà báo lại tới mức phải lập đường dây nóng? Và làm sao để khỏi cần đường dây nóng mà dư luận vẫn không bức xúc với giới báo chí và những người giả danh họ.
Trước hết là chuyện người ta cho nhà báo các quyền lợi, chính thức hay không chính thức, mà đáng ra không nên như vậy. Tôi biết các nhà báo từng dùng thẻ để qua cầu không phải trả tiền, mua vé tàu, xe được ưu tiên và để được hưởng các ưu đãi khác. Giới báo chí đôi khi cũng là nỗi kinh hoàng cho các doanh nghiệp, một số có tật giật mình nên thấy có nhà báo hỏi thăm là đã sợ. Đây là lý do người ta muốn có thẻ nhà báo hoặc làm giả thẻ để trục lợi.
Một lý do khác khiến các nhà báo không được nhiều doanh nghiệp ưa là họ vừa làm báo lại vừa kiêm thêm chân bán quảng cáo. Chuyện các báo đi từ tỉnh nọ sang tỉnh kia, từ cơ quan này sang cơ quan khác và từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác để mời gọi họ mua quảng cáo là chuyện bình thường. Có nhà báo từng nói một năm có 52 tuần trong khi có tới 64 tỉnh thành. Họ cứ đi kiếm cơm một vòng là hết năm.
Thói quen vừa thu thập tin tức lại vừa kiếm thêm thu nhập cho báo hay cho bản thân khiến các nhà báo dần quen với điều sai trái mà họ làm. Một nhà báo đích thực không thể kiêm thêm việc moi quảng cáo cho cơ quan của họ. Họ cũng phải trung thực và khai với với độc giả, khán giả hay thính giả nếu họ được các công ty hay tổ chức đài thọ cho các chuyến đi đắt tiền với mục đích viết bài. Có thể khoản tiền vài ngàn đô la mà họ được đài thọ, và có thể cả thêm phong bì nữa, không ảnh hưởng gì tới nội dung bài vở. Nhưng về nguyên tắc họ cần công khai thông tin này. Không hiểu độc giả sẽ nghĩ gì khi cuối một bài viết có thêm dòng in nghiêng ‘tác giả bài viết này đã nhận phong bì ba triệu đồng tại lễ động thổ công trình được đề cập tới trong bài’.
Trước tôi từng làm việc cùng nhà báo Hoa Kỳ mà tới các bữa tiệc anh cũng nhất quyết không ăn đồ ăn miễn phí. Nguyên tắc của anh là chẳng có gì miễn phí trên đời này cả và người ta cho mình một miếng là để phục vụ mục đích nào đó của người ta. Nếu mình muốn tự do viết hay không viết và được người ta xem là nhà báo hoàn toàn độc lập thì tốt nhất đừng đụng tới những gì mà mình không mất tiền mua.
Còn việc cấp thẻ nhà báo ở Việt Nam dù quy về một mối nhưng cũng có nhiều vấn đề. Khi còn làm bộ trưởng Thông tin và Truyền thông, ông Trương Minh Tuấn từng nói hồi tháng 12/2017: “Chúng tôi vừa yêu cầu Cục Báo chí kiểm tra thông tin có VPĐD [văn phòng đại diện] cấp một loại thẻ cho cả chủ quán nhậu, chủ vựa phế liệu đi làm ăn”.
Nếu để xảy ra tình trạng chủ quán nhậu hay chủ vựa phế liệu cũng có thẻ nhà báo thì Cục Báo chí cũng phải gián tiếp chịu trách nhiệm nếu họ dùng thẻ nhà báo để làm những việc sai trái. Nó cũng đặt trở lại câu hỏi Cục Báo chí có nhất thiết phải là cơ quan cấp thẻ nhà báo hay không.
Khi tôi làm cho BBC, chính hãng truyền thông này là một trong 19 nơi được phép cấp thẻ báo chí thông qua một công ty phát hành thẻ, đồng sở hữu bởi 19 cơ quan báo chí hay hội nghề nghiệp. Không có cơ quan quản lý nhà nước nào tham gia vào việc cấp thẻ nhà báo cả. Các nơi được quyền quyết định cấp thẻ nhà báo đều thống nhất tuân thủ nguyên tắc căn bản của việc cấp thẻ là chỉ những ai có đa số thu nhập từ nghề báo mới được cấp thẻ. Điều này loại trừ được khả năng người ta lấy thẻ báo chí chỉ để thoả mãn khoản ‘oai’ và cả đời có khi chỉ viết vài bài. Các cơ quan được cấp thẻ cũng có trách nhiệm cung cấp thông tin về những người sở hữu thẻ nhà báo cho một cơ sở dữ liệu chung. Cảnh sát Anh có thể truy cập cơ sở dữ liệu này nếu họ muốn biết một nhà báo đang làm việc tại một hiện trường nhất định có đang cầm thẻ nhà báo xịn hay không.
Ngoài tư cách là nhân viên BBC cho tới 8/2017, tôi cũng là thành viên của nghiệp đoàn nhà báo NUJ và cơ quan này cũng nằm trong số 19 đơn vị được quyền cấp thẻ. Nay tôi đã rời BBC và cũng thôi NUJ để gia nhập nghiệp đoàn của các giảng viên đại học. Nhưng nếu tôi viết nhiều, tôi hoàn toàn có thể tham gia NUJ trở lại và qua đó lấy thẻ báo chí. Chỉ có điều tôi sẽ phải đóng lệ phí khoảng 25 bảng mỗi tháng để là thành viên của NUJ.
Thực tế nhà nước Anh không quản lý việc cấp thẻ và cũng không quản lý luôn báo giấy và báo điện tử. Lý do là báo chí đều do tư nhân sở hữu cả và họ có cơ chế tự quản dù không phải lúc nào họ cũng làm tốt việc này. Chính phủ chỉ có cơ quan giám sát phát thanh và truyền hình vì loại hình truyền thông này dùng băng thông thuộc sở hữu của công chúng và bởi vậy phải có những trách nhiệm nhất định. Hơn nữa số người xem truyền hình hay nghe đài thường lớn hơn nhiều so với số người đọc báo của mỗi tờ báo nhất định. Nếu một tờ báo chỉ có chừng chưa tới một triệu người đọc thì tầm ảnh hưởng của họ có lẽ cũng không tới mức phải kiểm soát.
Và khó có thể nói truyền thông ở Anh kém hơn truyền thông ở Việt Nam. Bởi vậy chuyện quản lý việc cấp thẻ nhà báo và quản lý báo in cũng như báo điện tử chỉ khiến người dân phải đóng thêm thuế nuôi bộ máy cồng kềnh. Và nếu không quản lý thì không còn cần có Cục Báo chí và đương nhiên cũng khỏi cần luôn đường dây nóng.