Tại sao không dám ‘đối thoại’?
Ngày 18-5-2017, tại một hội nghị trực tuyến toàn quốc, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói: “Chúng ta không sợ đối thoại, không sợ tranh luận, bởi vì sự phát triển của mỗi lý luận và của học thuyết cách mạng nào rồi cũng phải dựa trên sự cọ xát và tranh luận. Và cũng chính sự tranh luận đó tạo ra cơ sở để hình thành chân lý”.
Nói thế thôi chứ “chúng ta” của Võ Văn Thưởng sợ đối thoại hơn tất cả thứ gì khác. Suốt chiều dài lịch sử đảng cộng sản lẫn nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, chẳng bao giờ tồn tại cái gọi là “đối thoại” và “lắng nghe ý kiến”. Ngày 30-10-1956, chỉ với bài diễn văn ngắn đọc tại một phiên họp Mặt trận Tổ quốc, về sai lầm của cuộc Cải cách ruộng đất, tiến sĩ Nguyễn Mạnh Tường, một học giả tài năng xuất chúng, đã lãnh một hậu quả khủng khiếp là bị trù dập suốt đời. Ngay cả những người trong hệ thống chính quyền cộng sản, từ Hoàng Minh Chính, Trần Bách, Nguyễn Hộ, Nguyên Ngọc, Trần Độ, đến thậm chí Võ Nguyên Giáp, còn bị “đập” tơi tả khi “bày đặt có ý kiến” thì huống hồ “nhân dân” của một chính quyền “do dân, vì dân”!
Tại sao “chúng ta” của Võ Văn Thưởng không dám “đối thoại” với người dân? Không dám bởi vì không thể, không có khả năng, không đủ trình độ, và đặc biệt không đủ lý lẽ để giải thích hoặc biện minh cho những sai lầm chính sách, nhất là những gì liên quan cơ cấu bộ máy thể chế, từ “tam quyền phân lập” giả hiệu đến thậm chí cả Hiến pháp, trong đó luôn khẳng định “Bỏ điều 4 Hiến pháp là tự sát”. “Chúng ta” của Võ Văn Thưởng không muốn tự sát, như những cái chết oan khuất của những người đấu tranh bị bắt vào đồn và tử vong vì “tự ngã” hoặc “tự tử”. Cái chết bởi bạo lực nhân dân trong ngày cuối của một chế độ độc tài là nỗi ám ảnh đáng sợ. Tiếng kinh chiều tàn cầu hồn cho một cái chết đang đến gần cứ vọng bên tai, thường trực. U tối, rùng rợn, và ám ảnh. Cho nên làm sao họ đủ dũng cảm để đối mặt những “câu hỏi thời đại” của nhân dân, trong đó có câu hỏi “Việt Nam có chấp nhận mất nước khi nấp dưới cái bóng Trung Quốc?”.
Bối cảnh Việt Nam hiện nay không giống giai đoạn khối XHCN tan rã bởi “bọn xét lại” khiến Nguyễn Văn Linh phải hộc tốc sang Đông Âu kêu gọi “cứu nguy sự tan rã của khối anh em đoàn kết XHCN”. Tuy nhiên, nguy cơ sụp đổ bởi sự nổi dậy nhân dân ngày càng lớn hơn bao giờ. Bài học sức mạnh nhân dân trong các cuộc cách mạng Cam hoặc cách mạng Hoa nhài đã làm lạnh sống lưng những kẻ cai trị Việt Nam. Bằng mọi giá phải giữ thể chế - họ hoảng hốt lo sợ, khi mà sự mục ruỗng chế độ đã đến mức trầm trọng mà nguyên nhân của nó xuất phát từ chính những sai lầm căn bản mang tính nội tại hơn là từ “thế lực thù địch bên ngoài”. Bằng mọi giá phải siết lại tự do, đưa dân chủ vào khái niệm “dân chủ tập trung” do Đảng và Nhà nước giám sát chứ không thể thả lỏng tự do để tự do hình thành dòng chảy như là một xu hướng tất yếu. Bạo lực là giải pháp duy nhất cho sự bảo vệ chế độ ở thời điểm này.
Nếu thật sự lắng nghe ý kiến người dân thì họ đã nghe và đã sửa. Ngày 22-1-1990, lá Tâm thư với chữ ký của hàng trăm trí thức kiều bào do giáo sư tiến sĩ Nguyễn Ngọc Giao đại diện, gửi về Việt Nam từ Pháp, đã cảnh báo:
“Do những đường lối, chính sách không phù hợp với tình hình thế giới cũng như với thực tế của Việt Nam, nước ta đã bị cô lập về mặt kinh tế cũng như ngoại giao và vẫn chưa thoát ra khỏi cảnh nghèo khó. Đau lòng hơn nữa, cuộc đổi mới khởi động năm 1986 đã bị trì hoãn, bỏ lỡ một cơ may lớn, làm tổn thương lòng tin của nhân dân mới phần nào được phục hồi. Những biến cố vừa xảy ra ở Đông Đức, Tiệp Khắc và nhất là Rumani cho thấy là trong một tình hình chính trị, kinh tế, xã hội bế tắc kéo dài quá lâu, sự thụ động bề ngoài của quần chúng mà sức kiên nhẫn chịu đựng dẫu sao cũng có giới hạn, nhiều khi chỉ là sự bình lặng trước cơn bão lớn. Để tránh cho đất nước khỏi rơi vào thảm kịch Thiên An Môn hay Rumani, trước tiên cần nhận thức rằng không thể dùng đàn áp hay bạo động để giải quyết những vấn đề trầm trọng hiện nay của đất nước mà phải tìm được những phương pháp chính trị thích nghi. Hãy vì quyền lợi tối cao của dân tộc, sớm cải tổ hệ thống chính trị hiện có bằng cách: Thực sự tách rời các định chế của Nhà nước ra khỏi bộ máy chính đảng để cho Nhà nước thu hồi trọn vẹn những quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp của mình, để cho không một ai cũng như không một tổ chức nào có thể đứng trên và chi phối Nhà nước; Thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, thực sự bảo đảm an toàn cá nhân và các quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp, lập hội, lập đảng…”.
Tâm thư đã được “đón nhận” và được “phản hồi”: Những trí thức kiều bào ký tên vào Tâm thư không được cấp visa về nước; có người thậm chí được “đăng tên” ở “Bảo tàng tội ác Mỹ-Ngụy” trong suốt 14 năm; danh sách 34 người ký tên đầu tiên được niêm yết ở trụ sở công an địa phương cũng như sứ quán một số nước! Từ năm 1990 đến nay, có bao nhiêu “tâm thư” của đồng bào trong nước lẫn hải ngoại? Có ý kiến nào được lắng nghe? Những người dân can đảm dám hành động và lên tiếng vì yêu nước đã luôn nhận lãnh một kết cục bi thảm: điểm dừng của họ là nhà tù, như Trần Huỳnh Duy Thức.
Khó có thể tưởng tượng một “lý thuyết gia” về “tư tưởng” như Võ Văn Thưởng sẽ “ăn nói” như thế nào khi đối mặt với Phạm Đoan Trang, với Trịnh Hữu Long, với Nguyễn Anh Tuấn… Khó có thể hình dung một nhân vật trong Bộ chính trị, kể cả “tiến sĩ Xây dựng Đảng” Nguyễn Phú Trọng, đủ khả năng và lý lẽ để “nói chuyện phải quấy” với những gương mặt trẻ đại diện cho “bọn phản động”. Ngày đó, ngày mà nhà cầm quyền chịu ngồi xuống, để bắt tay và nói chuyện với sinh viên, với công nhân, với những người đấu tranh, có thể chẳng bao giờ xảy ra. Thay vào đó là bạo lực đàn áp, là những bản án tù nghiệt ngã và những cái chết vì “tự sát” trong đồn công an. Hãy dừng lại đi! Dân tộc này đã đổ quá nhiều máu và đã gánh chịu quá nhiều đau thương. Hãy dừng lại những nắm đấm và chìa ra những bàn tay. Không dân tộc nào có thể đi lên phía trước, khi để lại sau lưng những gương mặt người dân bầm tím và những ánh mắt oán thù, bởi sự xuống tay của bạo lực cường quyền.