Thượng đỉnh Trump-Kim Jong Un, TQ quan sát từ bên lề
Trung Quốc bày tỏ ủng hộ thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên, dù có quan ngại rằng TQ có thể bị gạt sang một bên trong các cuộc đàm phán có khả năng thay đổi đáng kể tình hình an ninh và các động lực chính trị trong khu vực. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Bill Ide của VOA gửi về bài tường trình chi tiết sau đây:
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong Un đã gây bất ngờ cho nhiều bên, trong đó có Trung Quốc.
Bắc Kinh từ lâu vẫn kêu gọi hai nước hãy gặp nhau, nhưng tính cách bất ngờ của quyết định đó đã gây phản ứng lẫn lộn ở Bắc Kinh, từ thở phào nhẹ nhõm cho tới canh cánh lo âu.
Các nhà phân tích nói cuộc họp được đề nghị đã giảm đáng kể nguy cơ chiến tranh ngay trước cửa ngõ của Trung Quốc, tuy nhiên nếu Bình Nhưỡng và Washington đạt tiến bộ trong việc hàn gắn các mối quan hệ, điều đó sẽ làm nảy sinh các quan ngại khác.
Giáo sư khoa học chính trị Shi Yinhong, của Đại học Renmin:
"Nếu có một động thái hướng tới một sự tương nhượng giữa Triều Tiên với Hoa Kỳ, thì lãnh tụ Kim Jong Un sẽ có động lực để cùng làm việc với Hoa Kỳ trong lâu dài để kiểm soát Trung Quốc".
Theo Giáo sư Seo Jeoung-kyung, giáo sư Hàn Quốc chuyên nghiên cứu các vấn đề Trung Quốc, thì triển vọng một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân và các quan hệ gần gũi hơn giữa hai miền Nam-Bắc Triều Tiên cũng đặt ra những dấu hỏi về chiến lược dài hạn.
Giáo sư Seo Jeong-Kyung thuộc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Syungkyun:
"Liệu việc hình thành một nước Triều Tiên thống nhất dưới sự chiếm đóng của Hàn Quốc, một đồng minh của Hoa Kỳ và thân thiết với Hoa Kỳ sẽ có lợi cho Trung Quốc hay không?"
Bắc Kinh là đối tác thương mại lớn nhất của Bắc Triều Tiên nhưng việc TQ trong năm qua hậu thuẫn cho các biện pháp trừng phạt cứng rắn nhất đối với Triều Tiên đã làm tăng căng thẳng với Bình Nhưỡng. Và đó không phải là vấn đề duy nhất, Giáo sư Seo nói tiếp:
"Trong thời gian qua, rất hiếm khi diễn ra các cuộc thương thuyết giữa chế độ Kim Jong Un với chính quyền Trung Quốc do ông Tập lãnh đạo ở Bắc Kinh bởi vì sự nghi kỵ giữa hai bên rất cao.
Thay đổi nhanh chóng của ông Kim Jong Un trong vài tháng qua, từ các cuộc thử nghiệm tên lửa đột ngột chuyển sang nỗ lực ngoại giao, đã gạt Bắc Kinh ra ngoài lề. Một số người cho rằng Trung Quốc có thể chủ trì các cuộc đàm phán, nhưng Giáo sư Shi Yinhong nói điều đó khó có thể xảy ra.
Trung Quốc muốn đóng một vai trò nào đó, nhưng trở ngại lớn nhất là thái độ thù nghịch của ông Kim với Trung Quốc".
Giáo sư Shi Yinhong:
“Ông Kim không có lý do để công khai bày tỏ sự trọng vọng đối với Trung Quốc tới mức đó. Trung Quốc muốn đóng một vai trò nào đó, nhưng trở ngại lớn nhất là thái độ thù nghịch của ông Kim đối với Trung Quốc".
Mặc dù vậy, từ vụ Bộ trưởng Ngoại giao Rex Tillerson bị ông Trump bãi nhiệm, tới những thách thức của các nỗ lực ngoại giao liên Triều, các nhà phân tích nói hãy còn nhiều yếu tố bất định. Thậm chí, một số nhà phân tích tỏ thái độ hoài nghi, ngay cả không tin là đàm phán có thể khởi sự.
Trong các cuộc gặp với đặc phái viên Hàn Quốc hồi đầu tuần, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Bình Nhưỡng và Washington hãy mở đàm phán càng sớm càng tốt và nói thêm rằng ông rất vui mừng về những tiến bộ đang diễn ra trên bán đảo Triều Tiên.