Hoàn cầu Thời báo dẫn lời chuyên gia Trung Quốc nói rằng sự kiện đội tàu tấn công của Mỹ tới Việt Nam đầu tháng tới cho thấy Washington tăng cường hợp tác quân sự với Hà Nội để “kiềm tỏa” Bắc Kinh.
Ngoài ra, các chuyên gia Trung Quốc còn cho rằng sự hiện diện thường xuyên của các tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông trong năm nay có thể làm trầm trọng căng thẳng khu vực và có thể dẫn tới sóng gió trong mối quan hệ Trung - Mỹ.
Nhận định trên được đăng tải hôm 26/2 sau khi truyền thông Philippines đưa tin rằng một nhóm tàu tấn công của Mỹ, do tàu sân bay USS Carl Vinson dẫn đầu, hôm 25/2 đã đi qua các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông từ hôm 23/2 và đã hiện diện trong vùng biển thuộc Quần đảo Trường Sa hôm 25/2.
Trang mạng Philstar.com của Philippines trích lời Thiếu tá Tim Hawkins, người phát ngôn của Hải quân Hoa Kỳ, cho biết: "Đây là những hoạt động thường lệ. Hải quân Hoa Kỳ là một lực lượng hải quân toàn cầu. Sự hiện diện của chúng tôi là nhằm đảm bảo rằng các vùng biển được thông thoáng”. Thiếu tá Hawkins cho biết 90% thương mại thế giới lưu thông trong vùng biển đang có tranh chấp, và để chắc rằng việc lưu thông hàng hải vẫn còn thông thoáng thì phải có "quốc gia nào đó thực hiện tuần tra."
Giáo sư Li Haidong, Viện Quan hệ Quốc tế thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc, nói với tờ Hoàn Cầu Thời báo: "Chuyến viếng thăm thường lệ của tàu sân bay Mỹ đến vùng biển đang tranh chấp nằm trong chiến lược an ninh quốc gia mới của Tổng thống Donald Trump được công bố vào tháng 12/2017 trong đó xem Trung Quốc là "cường quốc cạnh tranh" và năm nay với các chuyến tuần tra của các tàu sân bay và máy bay Hoa Kỳ, Biển Đông sẽ chứng kiến nhiều hành động khiêu khích hơn."
Ông dự đoán rằng mối quan hệ Trung-Mỹ sẽ chứng kiến nhiều tranh chấp trong năm nay, và điều này sẽ không chỉ giới hạn trong các vấn đề Biển Đông, nhất là khi Hoa Kỳ cố đối đầu với một Trung Quốc đang trỗi dậy.
Đây là lần thứ hai trong tháng này tàu sân bay của Hoa Kỳ vào vùng Biển Đông. Như các quan chức Mỹ nói, tàu Carl Vinson đã tiến hành một sứ mệnh thường lệ đi xuyên qua khu vực Biển Đông vào ngày 14/2, mà hãng tin AFP loan báo là một thông điệp rất trực tiếp Mỹ gửi tới Trung Quốc.
Dù phía Mỹ chưa có thông báo chính thức, Thông tấn xã Việt Nam hôm 25/2 đưa tin rằng đoàn tàu hải quân Mỹ gồm tàu sân bay USS Carl Vinson, tàu tuần dương USS Lake Champlain và tàu khu trục USS Wayne E. Meyer “sẽ thăm thành phố Đà Nẵng từ ngày 5 đến 9/3”.
Theo tờ New York Times, nhóm tàu này “đánh dấu sự hiện diện lớn nhất của lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975”.
Hoàn cầu Thời báo dẫn lởi ông Chen Xiangmiao, một nhà nghiên cứu thuộc Học viện Quốc gia về Biển Đông, nói: "Chuyến viếng thăm Việt Nam này cho thấy Mỹ có thể sẽ chuyển hướng sang Việt Nam và tăng cường hợp tác quân sự với Việt Nam để kiềm tỏa Trung Quốc, khi mà hiện nay mối quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines đang được cải thiện."
Tờ báo từng nhiều lần chỉ trích Mỹ trích lời các chuyên gia cảnh báo rằng Mỹ, với mục tiêu cuối cùng là nhằm duy trì sự thống trị ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, có thể sẽ phá vỡ sự ổn định của khu vực.
"Trung Quốc nên thiết lập thêm các cơ sở quân sự như radar, máy bay và các tàu tuần duyên bờ biển ở Biển Đông để đối phó với những động thái khiêu khích của Mỹ", ông Chen nói.
Phó Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ hôm 5/2 đã tuyên bố rằng các tàu chiến Mỹ sẽ duy trì các hoạt động tuần tra tự do hàng hải ở Biển Đông.
Đáp lại tuyên bố của Mỹ, ông Cảnh Sảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 6/2 nói: "Trung Quốc tôn trọng quyền tự do đi lại trên biển và trên không ở Biển Đông theo luật quốc tế, nhưng phản đối việc một quốc gia đe dọa hoặc làm suy yếu quyền chủ quyền và an ninh của Trung Quốc và các quốc gia ven biển khác dưới danh nghĩa tự do hàng hải và hàng không."