Thêm một ‘thái tử Đảng’ bị cỗ máy ông Trọng ‘trảm’
Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư, con trai nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam, vừa bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương "xóa tên đảng" và hủy bỏ các quyết định bổ nhiệm được cho là không đúng trước đó.
Đây được xem là vụ “trảm thái tử” nặng không thua gì vụ xử Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư tỉnh Đà Nẵng, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi. Tuy nhiên theo đánh giá của chuyên gia chính trị Jonathan London, đây là một diễn tiến “không bất ngờ”.
Tiến sĩ Jonathan London, Giáo sư giảng dạy Kinh tế-Chính trị Á châu tại Đại học Leiden, Hà Lan, giải thích về nhận định trên:
“Trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam có hiện tượng là nhiều người còn khá trẻ đã được bổ nhiệm vào những vị trí quan trọng trong bộ máy. Nếu trước đây điều đó làm cho khá nhiều người bất ngờ, thì việc ngày nay những nhân vật đó rơi cũng là điều không bất ngờ bởi vì đó là hậu quả của những quyết định phản ánh mối quan hệ thân mật hơn là những tiêu chuẩn khách quan”.
Đề cập [giải quyết] những trường hợp như thế này là việc phải làm. Đó là một bước. Nhưng không thể được xem là giải pháp để giải quyết những khuyết điểm của thể chế nói chung.
Ông Lê Phước Hoài Bảo là con trai của nguyên Bí thư tỉnh Quảng Nam Lê Phước Thanh.
Ông Bảo được xem là một trong những “hạt giống đỏ” trong danh sách các “thái tử Đảng” xuất hiện gần đây trong bộ máy chính trị Việt Nam, trong đó có Nguyễn Thanh Nghị, 41 tuổi, con trai cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, và Nguyễn Xuân Anh, 41 tuổi, con trai của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Văn Chi.
Sau đại hội đảng 12 hồi đầu năm ngoái, Nguyễn Thanh Nghị (Bí thư Kiên Giang) và Nguyễn Xuân Anh (nguyên Bí thư Đà Nẵng) trở thành hai ủy viên chính thức trẻ tuổi nhất của Bộ Chính trị và cũng là các bí thư tỉnh trẻ tuổi nhất. Còn Lê Phước Hoài Bảo là tỉnh ủy viên trẻ nhất, với quan lộ “thần tốc”, leo lên chức Giám đốc Sở Kế hoạch-Đầu tư tỉnh Quảng Nam chỉ trong vòng 5 tháng, khi mới 30 tuổi.
Sau khi công chúng thắc mắc về việc bổ nhiệm ông Bảo, Bộ Nội vụ đã tiến hành kiểm tra và kết luận việc bổ nhiệm này là “đúng quy trình”.
Tiếp theo vụ ông Nguyễn Xuân Anh bị kỷ luật, cách chức Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy và các chức vụ khác hồi đầu tháng 10, quyết định “xóa tên đảng” và tước chức vụ của ông Lê Phước Hoài Bảo được công luận chú ý và xem đây là một động thái “mạnh tay”, theo chiều hướng thể hiện quyết tâm chống tiêu cực, tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhận định về chiến dịch này, Tiến sĩ Jonathan London cho rằng việc xử những vụ cụ thể như hiện nay tuy quan trọng nhưng không phải là giải pháp để khắc phục “lỗi hệ thống” tại Việt Nam.
Ông nói: “Đề cập [giải quyết] những trường hợp như thế này là việc phải làm. Đó là một bước. Nhưng không thể được xem là giải pháp để giải quyết những khuyết điểm của thể chế nói chung”.
Riêng với các “hạt giống đỏ”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, ủy viên cao tuổi nhất (72 tuổi) trong danh sách ủy viên Bộ Chính trị, đã không quên đề cập đến họ trong phát biểu tại đại hội Đảng hồi năm ngoái. Ông Trọng nói: “Còn nhiều việc phải làm, cố gắng tạo điều kiện anh em trẻ làm lãnh đạo”, theo báo Đất Việt.
Trong số những gương mặt lọt vào danh sách quyền lực của khóa 12 còn có ông Đinh La Thăng, người được “đề cử thêm” ngoài danh sách đã được Ban chấp hành Trung ương khóa trước chuẩn bị.
Ngày 8/12, ông Thăng bị khởi tố liên quan đến một “đại án” tham nhũng được cho là phức tạp chưa từng có tại Việt Nam.
Cho đến nay, hàng loại quan chức cấp cao đã bị bắt, khởi tố và kỷ luật trong vụ này, bao gồm nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng- nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban tổ chức Trung ương Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng-nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Huỳnh Minh Chắc, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Trịnh Xuân Thanh và nhiều người khác.