Xanh đỏ và người Mỹ gốc Việt

PostFri Nov 11, 2016 3:25 pm

VOA - Arts and Entertainment


Sau tám năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama, người của Đảng Dân chủ, ngày 8/11 vừa qua cử tri Mỹ đã quyết định chuyển quyền sang cho Donald Trump của Đảng Cộng hòa, là ứng cử viên đã đánh bại Hillary Clinton trong một cuộc tranh cử thật gay go, hào hứng.


Với kết quả đã được công bố, số phiếu phổ thông do dân bầu cho Hillary Clinton là khoảng 230.000 phiếu nhiều hơn Donald Trump, trong tổng số gần 120 triệu phiếu bầu. Nhưng đếm phiếu cử tri đoàn thì Trump được 306, Clinton 232, như thế, theo cách bầu chọn tổng thống Mỹ, Donald Trump sẽ là người kế nhiệm Tổng thống Barack Obama.


Cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 cũng đã có kết quả như lần này. Năm đó George W. Bush (con) của Đảng Cộng hòa cũng được ít phiếu phổ thông hơn ứng cử viên Dân chủ Al Gore, nhưng hơn phiếu cử tri đoàn nên đã trở thành tổng thống.


Sau bầu cử 8/11 vừa qua, chính trường Mỹ từ đầu năm tới sẽ đổi từ xanh sang toàn đỏ, với tổng thống Cộng hòa và hai viện Quốc hội cũng vẫn do Cộng hòa nắm đa số. Tương lai ra sao chưa biết, phần vì tổng thống mới đắc cử Donald Trump là người hoàn toàn đứng ngoài chính quyền từ trước đến nay. Nước Mỹ chỉ hy vọng vào một tương lai với nhiều thay đổi, nhưng không chắc sẽ ra sao.


Nước Mỹ đang đổi màu từ xanh qua đỏ trong khi khối cử tri gốc Việt lại chuyển ngược lại từ đỏ sang xanh.


Theo một khảo sát của National Asian American Survey, tám năm trước đây số người Việt theo Đảng Cộng hòa là 42%, nay chỉ còn 23% và theo Dân chủ hiện thời là 29%, còn lại 47% không theo đảng nào.


Như thế khuynh hướng chính trị của người Việt cũng đã hòa đồng với sắc dân châu Á nói riêng và các sắc dân thiểu số nói chung, tức nghiêng về ủng hộ Đảng Dân chủ nhiều hơn.


Theo thăm dò trước ngày bầu cử, cũng do tổ chức nêu trên thực hiện, cho thấy cử tri gốc Việt ủng hộ Hillary Clinton là 41%, Donald Trump 16% và 34% chưa quyết định.


Với nhiều người Việt theo Dân chủ hơn, con số ứng cử viên gốc Việt theo Đảng Dân chủ cũng tăng theo, từ California qua Texas và Florida.


Trong kỳ bầu cử vừa qua có bà Stephanie Murphy (tức Đặng Thị Ngọc Dung) từ Địa hạt 7 của tiểu bang Florida thắng cử vào Hạ viện Hoa Kỳ. Khu vực bà sinh sống không có đông người Việt nhưng bà được sự yểm trợ của Tổng thống Barack Obama và đã đánh bại đối thủ John Mica, một dân cử Cộng hòa từ 23 năm qua, với tỉ số mong manh 51% - 49%.


Cũng ở Florida có bà Thuy Lowe là ứng cử viên Cộng hòa ra tranh chức vào Hạ viện Hoa Kỳ, Địa hạt 10, nhưng không thành công.


Bà Murphy là người gốc Việt thứ nhì vào được lập pháp liên bang. Năm 2009 có ông Joseph Cao Quang Ánh, người Đảng Cộng hòa, đắc cử Hạ viện nhưng chỉ làm được một nhiệm kỳ hai năm và sau đó thất cử vì khu vực của ông ở tiểu bang Louisiana đa số là người theo Đảng Dân chủ.


Kỳ này ông Ánh tranh chức vào Thượng viện Hoa Kỳ với tư cách là ứng cử viên Cộng hòa. Trong số 24 ứng cử viên của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, ông chỉ đạt 1% số phiếu.


Tại tiểu bang có đông người Việt sinh sống nhất là California, ở Quận Cam có Thị trưởng Nguyễn Bảo ra tranh chức dân biểu liên bang. Ông là người Đảng Dân chủ, tranh chức với một ứng cử viên Dân chủ khác là Lou Correa và ông Correa đã thắng với 70% số phiếu.


Trên vùng San Jose có ứng cử viên Dân chủ Madison Nguyễn tranh chức vào Hạ viện California nhưng không thành công. Trong kỳ bầu sơ bộ bà hơn đối thủ là Nghị viên Thành phố San Jose Ash Kalra, cũng là người của Đảng Dân chủ, đến 15% số phiếu. Trong kỳ tổng tuyển cử bà thua với tỉ số 47% - 53%.


Sự thất bại của Madison Nguyễn một phần vì có những cử tri gốc Việt đã không còn ủng hộ bà như 10 năm trước, sau khi bà từ chối chọn tên Little Saigon để đặt cho khu phố Việt.


Mặc dù được sự ủng hộ của nhiều dân cử cao cấp của Thành phố San Jose, được nhật báo Mercury News chính thức chuẩn thuận, nhưng Madison Nguyễn đã không thắng được. Với thất bại thêm một lần nữa, lần trước là khi tranh chức thị trưởng San Jose năm 2014, bà sẽ phải xem lại con đường chính trị của mình. Năm nay mới 41 tuổi, Madison Nguyễn sẽ còn cơ hội để trở lại chính trường trong tương lai.


Tranh chức vào hội đồng thành phố San Jose có luật sư Jimmy Nguyễn. Kết quả hiện rất sít sao vì số phiếu của đối thủ chỉ hơn ông chừng 50 phiếu, trong tổng số 23.208 phiếu đã được đếm, tính đến 5 giờ chiều ngày 10/11, và vẫn còn vài nghìn phiếu chưa đếm. Nếu ông thắng cử, hội đồng thành phố sẽ có 3 nghị viên gốc Việt.


Thành phố Milpitas bên cạnh có ứng cử viên Richard Trần, 31 tuổi, là người Việt đầu tiên đã đánh bại 4 ứng cử viên khác để giành chức thị trưởng. Tại đây cũng có Anthony Phạm là người Việt đầu tiên được bầu vào hội đồng thành phố trong kỳ bầu cử vừa qua.


Kết quả bầu cử ở Quận Cam, ngoài sự thất cử của Bảo Nguyễn, nhiều ứng cử viên gốc Việt khác đạt kết quả tốt đẹp.


Andrew Đỗ tái đắc cử giám sát viên quận hạt. Tạ Trí tiếp tục làm thị trưởng Westminster thêm một nhiệm kỳ nữa và thành phố này có thêm một nghị viên gốc Việt là Kimberly Hồ.


Thành phố Garden Grove sẽ có thêm hai nghị viên gốc Việt là Thu Hà Nguyễn và Kim Bernice Nguyễn. Như thế số dân cử gốc Việt vẫn chiếm đa số trong hội đồng thành phố.


Học khu Westminster có Thuỷ Thế Nguyễn và Học khu Garden Grove có Dina Nguyễn đắc cử.


Vùng Los Angeles có luật sư Kim Nguyễn đắc cử chánh án tòa thượng thẩm.


Ở tiểu bang Texas, Hubert Võ của Đảng Dân chủ tái đắc cử dân biểu tiểu bang Địa hạt 149. Ông đã phục vụ cư dân khu vực này từ năm 2004.


Nhìn chung, các ứng cử viên gốc Việt theo Đảng Dân chủ có nhiều cơ hội thắng hơn là ứng cử viên Cộng hòa, ngay cả ở những vùng được biết đến như truyền thống của Đảng Cộng hòa là Quận Cam nay cũng đang chuyển từ đỏ sang xanh.


Nhìn vào kết quả bầu chọn tổng thống vừa qua sẽ thấy, tại Quận Cam, thủ phủ của người Mỹ gốc Việt: Hillary Clinton đạt 49.8%, Donald Trump 44.8%.


* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 174 guests

cron