TS Phạm Đỗ Chí (từ Florida, 18/12/2017) (1)
Sau các bàn cãi về 2 dự luật ở Thượng và Hạ viện, chỉ hai tuần sau đảng Cộng hòa đã công bố phiên bản chung cuối cùng hôm 15/12/17. Họ dự kiến sẽ đưa ra trình Quốc hội chấp thuận vào tuần tới và đệ trình Tổng thống Trump ký trước lễ Giáng sinh. Dự luật sẽ không ảnh hưởng đến thuế năm 2017, mà chỉ áp dụng từ năm 2018.
***
Từ vài tuần qua từ trước lễ Thanksgiving, dân tình Hoa kỳ đã sôi nổi bàn về luật thuế mới như "Giấc Mơ Thành Sự Thật" ("The dream comes true") sau chuyến hành trình dài chính sách của TT Trump và sẽ là dự luật quan trọng nhất được Quốc hội thông qua trong năm đầu của ông. Đây hoàn toàn là do công trình của đảng Cộng hòa hiện chiếm đa số trong cả hai viện, và bị bác bỏ không có sự tham dự của các đại biểu đảng Dân chủ.
Một phần quan trọng trong dư luận, tất nhiên chịu ảnh hưởng đảng Dân chủ, cho là luật thuế mới thiếu công bình, chỉ làm lợi cho các doanh nghiệp và nhóm nhà giầu hưởng lợi lớn từ việc giảm thuế. Khối còn lại, thiên về khuynh hướng Cộng hòa và chờ đợi việc giảm thuế từ lâu, có thể sốt ruột hỏi lớn nhóm chống đối một câu nổi tiếng "Que veut le peuple?" (Bạn muốn gì nữa đây?), hàm ý chuyện kỳ vọng giảm thuế từ một năm qua đã giúp nền kinh tế Mỹ tăng tốc, thị trường chứng khoán Mỹ nhảy vọt, và đem lại công ăn việc làm gần mức toàn dụng.
TT Trump đương nhiên là hồ hởi trong những diễn văn chính trị sau các kết quả của năm đầu trong Tòa Bạch ốc. Nhưng cựu TT Obama cũng tức khí sôi nổi không kém, lập ra nhóm "Organizing For Action (OFA) trong ngôi nhà riêng đẹp đẽ không xa Nhà Trắng để chuyên vào chống đối CP Trump--bất chấp các diễn đàn công luận và khung khổ do Hiến pháp có sẵn, và đăng đàn tuyên bố một cách tự tin hay có phần "lạc quan tếu" là kết quả tốt đẹp của kinh tế Mỹ năm 2017 chỉ là "di sản" của 8 năm cầm quyền của mình, phủ nhận thành tích nền kinh tế Mỹ trong năm đầu của nhiệm kỳ Trump là dựa vào những kỳ vọng ("expectations") của giới kinh doanh và đầu tư Hoa kỳ với chính sách kinh tế và lãnh đạo chính trị mới(?).
Vậy thì Luật Thuế mới của Hoa kỳ sẽ được dân chúng đón nhận thế nào sau vài năm áp dụng, và sẽ tác động trên thực tế ra sao trên nền kinh tế Mỹ và có lẽ cả nền kinh tế toàn cầu?
Dự luật cuối cùng của đảng CH vẫn tiếp tục cắt giảm thuế cho các tập đoàn và tư nhân chủ doanh nghiệp. Nhưng nó cũng mở rộng hoặc khôi phục một số lợi ích về thuế cho các cá nhân liên quan đến các dự luật trước đó được Hạ viện và Thượng viện thông qua. Các điều khoản cho thuế cá nhân sẽ hết hiệu lực vào cuối năm 2025, nhưng hầu hết các điều khoản cho các công ty sẽ có hiệu lực vĩnh viễn.
Dự luật cuối cùng bao gồm hàng nghìn tỷ trong cắt giảm thuế, hầu hết trong số đó đều không được bù đắp bằng các biện pháp tăng doanh thu, và sẽ làm tăng thâm hụt bằng khoảng 1,46 nghìn tỷ đô la Mỹ trong 10 năm tới. Con số này sẽ cao hơn nhiều nếu Quốc hội tương lai không cho phép cắt giảm thuế cá nhân hết hạn sau năm 2025.
Dự luật duy trì 7 khung thuế, nhưng giảm các mức áp dụng chỉ còn là: 10%, 12%, 22%, 24%, 32%, 35% và 37%.
Dưới đây là một bản dịch tóm tắt những điều khoản chính quan trọng trong dự luật thuế cuối cùng của Quốc hội Mỹ - dựa trên một bản tường thuật của Jeanne Sahadi trên mạng CNN ngày 15/12/17 (2), kèm vài phân tích ngắn gọn của người viết chú trọng đến tác động của việc giảm thuế.
I. ĐỐI VỚI CÁ NHÂN : Các điểm chính trong khung thuế mới được giảm nhiều (xem ở dưới) sẽ là:
Gấp đôi khấu trừ tiêu chuẩn ("standard deduction"): Cá nhân độc thân được khai khoản này lên đến $12.000 từ $6.350 cho hiện nay; các cặp vợ chồng khai chung được tăng lên $24.000 từ $12.700.
Loại bỏ các khoản miễn trừ cá nhân ("personal exemptions"): Hiện nay bạn được phép bớt khai $4,050 cho chính mình, vợ/chồng và mỗi người phụ thuộc của bạn. Kế hoạch thuế mới loại bỏ các khấu trừ này.
Giảm trừ thuế của tiểu bang và địa phương: Dự luật cuối sẽ giữ lại khấu trừ thuế của tiểu bang và địa phương cho bất cứ ai liệt kê chi tiết (vẫn dùng "itemized deduction"), nhưng nó sẽ giới hạn số tiền có thể được khấu trừ với mức tối đa $10.000. Hiện nay, khoản khấu trừ đó là không giới hạn đối với thuế thu nhập và nhà đất của tiểu bang và địa phương của bạn, cộng cả với thuế doanh thu ("sales tax").
Các khoản khấu trừ thuế này đã được duy trì trong hơn một thế kỷ nay. Bản dự thảo chung và của riêng Hạ viện ban đầu đã cố gắng xoá bỏ toàn bộ khoản tiền khấu trừ đó để giúp bù lại cho việc cắt giảm thuế, nhưng điều đó đã gặp phải sự đề kháng cứng cỏi của các nhà lập pháp trong các tiểu bang có thuế cao như New York, New Jersey hay California. Giữ lại khoản khấu trừ truyền thống này - mặc dù có giới hạn là $10,000 - có thể sẽ giúp đỡ nhiều hơn cho các hộ gia đình có thu nhập cao hơn ở các bang thuế cao.
Tăng tín dụng thuế trẻ em ("child tax credit"): Tín dụng sẽ được tăng gấp đôi lên 2.000 đô la cho mỗi trẻ em dưới 17 tuổi. Chương trình cũng sẽ dành cho người có thu nhập cao vì dự luật này sẽ tăng ngưỡng thu nhập tới $200.000 cho người khai thuế độc thân, tăng từ $75.000 hiện nay; và đến $400.000 cho các cặp vợ chồng, tăng từ $110.000 hiện nay. Đặc biệt là giống như $1.000 tín dụng thuế đầu tiên, $400 sẽ được hoàn lại, nghĩa là một gia đình có thu nhập thấp sẽ có thể nhận được tiền hoàn lại cho họ dù thuế nợ liên bang của họ ở mức không ("zero").
Tạo ra khoản tín dụng tạm thời cho những người phụ thuộc không phải là con: Dự luật sẽ cho phép phụ huynh nhận khoản tín dụng $500 cho mỗi người phụ thuộc không phải là đứa trẻ mà họ đang hỗ trợ, chẳng hạn như trẻ em từ 17 tuổi trở lên, cha mẹ già yếu hoặc người lớn bị khuyết tật.
Giảm mức trần lãi suất vay dùng nhà làm thế chấp ("mortgage"): Nếu bạn mua nhà mới hoặc nhà thứ hai, bạn sẽ chỉ được phép khấu trừ khoản nợ đến $750.000, giảm từ $1 triệu hiện nay. Những chủ sở hữu nhà đã có khoản vay cũ sẽ không bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi. Nhưng cần chú ý là Dự luật sẽ không còn cho phép khấu trừ lãi suất trên các khoản vay khác dựa vào nhà ("home equity loans"); hiện tại, khoản vay này có thể lên tới $100.000.
Giảm mức chịu Thuế Tối Thiểu Thay Thế ("Alternative Minimum Tax" hay AMT) cho các cá nhân: Các dự thảo luật trước đây đã yêu cầu xóa bỏ luật Thuế Tối Thiểu này. Phiên bản cuối cùng giữ nó, nhưng giảm số lượng người sẽ bị ảnh hưởng bởi nó bằng cách tăng mức miễn giảm thu nhập lên $70.300 cho người độc thân, tăng từ $54.300 hiện nay; và lên đến $109,400, tăng từ $84,500, đối với cặp vợ chồng.
Duy trì các khoản giảm thuế nhỏ hơn nhưng phổ biến: Hai phiên bản trước của dự luật đã đề nghị hủy bỏ các khoản khấu trừ cho chi phí y tế, lãi suất cho vay sinh viên và đồ dùng học tập mua bằng tiền của chính giáo viên. Họ cũng đã bãi bỏ trạng thái miễn thuế cho việc miễn học phí cho sinh viên cao học. Dự luật cuối cùng, tuy nhiên, bảo toàn tất cả những điều này theo chế độ hiện tại. Và nó sẽ còn mở rộng khấu trừ chi phí y tế cho các năm 2018 và 2019.
Loại trừ hầu hết mọi người khỏi thuế Di sản ("Estate tax"): Phiên bản thuế cuối cùng không yêu cầu hủy bỏ thuế Di sản. Nhưng về cơ bản, nó sẽ loại bỏ thuế cho gần như tất cả mọi người bằng cách tăng gấp đôi số tiền được miễn thuế Di sản - hiện tại là $5,49 triệu cho các cá nhân, và $10,98 triệu cho các cặp vợ chồng.
Loại bỏ việc bắt buộc mua bảo hiểm y tế: Sẽ không còn bị phạt nếu không mua bảo hiểm. Trong khi trong lâu dài mục tiêu của đảng Cộng hòa là để loại bỏ nó, biện pháp này sẽ giúp giảm chi tiêu của chính phủ liên bang cho trợ cấp bảo hiểm và Medicaid.
Khung mới cho các mức thuế cá nhân:
Dự luật duy trì 7 khung thuế, nhưng giảm các mức áp dụng chỉ còn là: 10%, 12%, 22%, 24%, 32%, 35% và 37%. Sau đây là những mức thu nhập sẽ áp dụng cho các mức thuế mới tương ứng:
Giới hạn cho các cá nhân
- 10%: từ $1- $ 9,525
- 12%: trên $ 9,525 đến $ 38,700
- 22%: trên $38.700 đến $82.500
- 24%: trên $82.500 đến $157.500
- 32%: trên $157.500 đến $200.000
- 35%: trên $200.000 đến $500.000
- 37%: trên $500.000
Giới hạn cho các cặp vợ chồng khai chung
- 10%: $ 1 đến $ 19,050
- 12%: trên $ 19,050 đến $ 77,400
- 22%: trên $77.400 đến $165.000
- 24%: trên $165.000 đến $315.000
- 32%: trên $315.000 đến $400.000
- 35%: trên $400.000 đến $600.000
- 37%: trên $600.000
Nhận Định Việc Giảm Thuế Cho Các Cá Nhân: Điều đáng nhắc lại là cuộc thắng cử năm ngoái của Ông Trump được nhiều người giải thích là do cuộc "cách mạng" của giới trung lưu, bất mãn với công ăn việc làm mất ra nước ngoài và với thu nhập thực tế ("real income") tăng rất chậm do ảnh hưởng của toàn cầu hóa, trái ngược hẳn với thu nhập tăng vọt của cùng giới trung lưu và thương nhân trong các nước mới nổi ("emerging markets"). Đây là kết luận của một nghiên cứu rất quan trọng do kinh tế gia Branko Milanovic của Ngân hàng Thế giới làm năm 2012, dựa theo một hình thống kê nổi tiếng mang tên Đồ thị Con Voi về Toàn Cầu Hóa ("Globalization 'Elephant Chart"), đưa đến kết luận là những người bị thất lợi (non-winners) trong thời toàn cầu hóa 1988-2008 lại chính là giới trung lưu trong các nước phương Tây, trong khi đem lại phép lạ về phát triển tột độ cho các nước mới nổi và nhiều triệu "đại gia" trong các xã hội đó!
Tăng chi tiêu đồng thời với giảm thuế sẽ đặt ra các thách đố lớn cho thâm hụt ngân sách Mỹ trong ba năm tới.
Do đó chính sách thuế mới của đảng CH do TT Trump chủ xướng nhằm vào giảm thuế cho giới trung lưu và các hãng Hoa kỳ, qua đó tăng công việc làm và lương bổng cho công nhân Mỹ là giới đã bị thua thiệt. Hệ luận song hành là chính sách này giúp "tăng tốc" nền kinh tế Hoa kỳ, nhờ có thể sẽ bùng mạnh vì chi tiêu đầu tư kinh doanh và cá nhân. Dù thuế suất giảm nhưng tăng trưởng GDP cao sẽ đẩy thu nhập kinh doanh và cá nhân tăng cao, cuối cùng sẽ cho tổng thu thuế nhiều hơn và không làm tăng thâm hụt ngân sách ("budget deficit") quá nhiều do giảm thuế suất sau vài năm!
Thêm nữa, một điểm nổi bật khác cần chú ý là trong thời gian tranh luận trước, cả hai dự thảo của Thượng viện và Hạ viện đều đồng ý là phải thay đổi cơ cấu hiện có của các động lực cá nhân trong đầu tư ("investment incentives"), bằng cách giảm bớt khoản khấu trừ vào thuế tiền lãi vay mua nhà ("mortgage interest deduction") như trong hệ thống thuế hiện tại, nhằm khuyến khích dân chúng bớt mua nhà đắt tiền (để bớt thuế) mà cho thêm tiền đầu tư vào các khu vực khác như chứng khoán, công nghệ hay thương mại. Đây cũng là khía cạnh quan trọng của luật thuế mới sẽ ảnh hưởng đến các nhà đầu tư bất động sản tại Mỹ.
Tác dụng thật sự đang được chờ đợi từ năm tới lúc áp dụng thuế mới, nhưng ảnh hưởng "tăng tốc" đã thấy rõ nhất từ hai sự kiện nổi bật trong năm 2017:
* Chứng khoán hay gọi nôm na là "xì tốc" Mỹ tăng vọt, chỉ số Dow Jones tăng gần 38% từ ngày ông Trump thắng cử hôm 08/11/16 tới cuối tuần 15/12/17.
* Tăng trưởng GDP tăng vượt mức 3% trong hai quý II và III năm nay (gấp đôi mức 1,5% của quý II năm 2016 trong thời gian tranh cử) và mức thất nghiệp Mỹ xuống còn 4,1%--mức kỷ lục từ 17 năm nay!
II. ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ TỔNG CÔNG TY
Giảm gánh nặng thuế đối với các doanh nghiệp "thông qua" ("pass-through"):
Gánh nặng thuế đối với chủ sở hữu, đối tác và cổ đông của các Công ty loại S, các công ty con ("LLCs") và công ty hợp danh ("partnerships") -- những người trả thuế doanh nghiệp thông qua các tờ khai thuế cá nhân riêng lẻ -- sẽ được giảm 20%, thấp hơn mức 23% so với dự luật được Thượng viện thông qua.
Việc khấu trừ 20% này sẽ không áp dụng đối với bất cứ ai trong kinh doanh dịch vụ ("service business")-- trừ khi thu nhập chịu thuế của họ dưới $315.000 nếu kết hôn ($157.500 nếu là cá nhân).
Bao gồm các quy tắc để ngăn chặn lạm dụng trốn thuế nhờ cửa thông qua ("pass-through"):
Nếu chủ sở hữu hoặc đối tác chịu thuế "pass-through" cũng lấy lương từ kinh doanh, tiền đó sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân bình thường. Tuy nhiên, để ngăn chặn người dân tính lại thu nhập tiền lương của họ như là lợi nhuận kinh doanh để có được lợi ích của việc khấu trừ thông qua ("pass-through"), dự luật sẽ giới hạn mức thu nhập được khấu trừ.
Các chuyên gia về thuế vẫn cảnh báo rằng biện pháp chống lạm dụng này vẫn cho phép người nộp thuế có nhiều cơ hội để chơi trò và ủng hộ chủ sở hữu thụ động trong việc kinh doanh hơn là người chủ sở hữu thực sự điều hành mọi thứ.
Giảm mạnh tỷ lệ thuế doanh nghiệp:
Dự luật giảm tỷ lệ thuế doanh nghiệp xuống còn 21% từ 35%, bắt đầu từ năm 2018. Đó là một số cao hơn so với tỷ lệ 20% được kêu gọi trước đó. Việc tăng được thực hiện nhằm tạo thêm một số doanh thu để đáp ứng nhu cầu giảm thuế của các nhà lập pháp đối với các điều khoản khác. Dự luật cũng sẽ bãi bỏ Thuế Tối Thiểu Thay thế (AMT) đối với các công ty.
Thay đổi cách thức các công ty đa quốc gia của Hoa Kỳ bị đánh thuế:
Các công ty Hoa Kỳ ngày nay phải chịu thuế về tất cả lợi nhuận của họ, bất kể thu nhập từ đâu. Họ được phép hoãn nộp thuế Mỹ cho lợi nhuận nước ngoài của họ cho đến khi họ mang tiền về nhà.
Nhiều người cho rằng hệ thống thuế "trên toàn thế giới" này khiến các doanh nghiệp Mỹ bất lợi. Đó là bởi vì hầu hết các đối thủ cạnh tranh nước ngoài đến từ các quốc gia có hệ thống thuế lãnh thổ, có nghĩa là họ không nợ thuế cho chính phủ của họ về thu nhập mà họ kiếm được ở nước ngoài.
Dự thảo cuối cùng của đảng CH cũng đề xuất chuyển đổi Hoa Kỳ sang một hệ thống lãnh thổ. Nó cũng bao gồm một số điều khoản chống lạm dụng để ngăn chặn các công ty có lợi nhuận nước ngoài lạm dụng hệ thống. Trong khi chờ đợi, nó sẽ yêu cầu các công ty phải trả thuế suất một lần và thấp cho lợi nhuận ở nước ngoài đang có hiện tại -- 15,5% trên tài sản tiền mặt và 8% đối với tài sản phi tiền mặt (ví dụ thiết bị ở nước ngoài có lợi nhuận đầu tư), hơi cao hơn tỷ lệ trong hai dự luật trước của Thượng viện và Hạ viện.
Nhận định về tác động của giảm thuế doanh nghiệp: Giảm thuế doanh nghiệp và cho khấu trừ ngay chi phí đầu tư ("expensing") sẽ tăng đầu tư và theo đó hoạt động kinh tế, vì giới doanh nghiệp sẽ có triển vọng tăng lợi nhuận. Hai móc xích quan trọng cho tác dụng của việc giảm thuế lên GDP là : (i) bớt thuế sẽ làm tăng đầu tư của tư nhân; và (ii) tăng đầu tư này sẽ dẫn đến các hoạt động kinh tế khác; các tranh luận giữa các nhà kinh tế và hai giới bênh và chống chương trình giảm thuế là chung quanh hai móc xích đó! Cho đến rạng sáng ngày 2/12/17, Thượng viện đã tranh luận gay go về việc này trước khi bỏ phiếu chấp thuận. Đặc biệt, một Thượng nghị sỹ Cộng hòa duy nhất chống lại, ông Bob Corker, đòi là nếu tăng trưởng GDP và thu thuế không được như dự kiến, sẽ dự trù các biện pháp tự động ("triggers") tăng thuế trở lại khoảng $350 tỷ để tránh thâm hụt ngân sách. Ông muốn cung cấp "cái phao" phòng hờ nếu kết quả thực tế không đạt như ý đa số các thành viên của đảng mình.
Trong lập luận của những người lo ngại, có thể có hai lý do tại sao giảm thuế thu nhập chưa chắc sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP cao hơn. Thứ nhất các doanh nghiệp dùng số thu nhập được tăng lên vào chuyện khác thay vì đầu tư, chẳng hạn như trả thêm cổ tức hay mua lại cổ phần quỹ, hay tăng lương cho giới quản trị. Thứ hai là các doanh nghiệp đầu tư thêm, nhưng các vụ đầu tư này không dẫn đến tăng trưởng GDP vì nền kinh tế đã đạt đến mức toàn dụng ("full capacity"), như Mỹ đang đến gần, và đầu tư thêm sẽ chỉ dẫn đến lạm phát. Đây là trường hợp mà các yếu tố sản xuất ("factors of production") đã ở mức toàn dụng, chẳng hạn như nạn thất nghiệp đã đến mức thấp tối thiểu, không có cách nào để tăng thêm lao động, trừ khi đem dân ngoại quốc vào, một điều mà TT Trump và giới bảo thủ không muốn.
Do đó theo một vài quan sát viên, giảm thuế lúc này khi nền kinh tế Mỹ đang gần mức toàn dụng có thể ví như "đổ dầu vào lửa" vì dễ dàng gây ra lạm phát cao trở lại trong tương lai. Theo kinh nghiệm ở Mỹ, lạm phát thường do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức hay quá lâu, chứ không do tăng đầu tư; khi tăng đầu tư vào máy móc thiết bị sẽ giải phóng lao động và nhờ tăng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo sẽ làm tăng GDP.
Nói chung, TT Trump luôn nhấn mạnh giảm thuế sẽ là biện pháp cốt lõi để khuyến khích đầu tư vào Mỹ, giữ lại các hãng Mỹ lớn sản xuất sinh lời ở Mỹ thay vì đem sang nước ngoài--thí dụ điển hình là hãng Apple chuyên sản xuất phần lớn ở Trung quốc, và giữ hẳn tài sản khổng lồ trên 260 tỷ đô la ở ngoại quốc để tránh thuế, thay vì đem về Mỹ đầu tư lại và tạo công ăn việc làm cho lao động Mỹ.
KẾT LUẬN
Trong một bài diễn văn mới sáng nay 18/12/17 tại Hoa Thịnh Đốn, TT Trump đã tuyên bố tóm tắt một chương trình mới về "An Ninh Quốc Gia", trong đó nhấn mạnh tăng cường và chấn chỉnh thương mại quốc tế Mỹ như chiến thuật song hành với chiến thuật "kích cầu" qua giảm thuế, và đồng thời với các chi tiêu lớn hơn nhiều về quốc phòng và cơ sở hạ tầng để bảo đảm an ninh quân sự và kinh tế cho Hoa kỳ.
Tăng chi tiêu đồng thời với giảm thuế sẽ đặt ra các thách đố lớn cho thâm hụt ngân sách Mỹ trong ba năm tới. Tất cả chiến lược của TT Trump dựa vào tác động lớn dự kiến trên tăng tốc nền kinh tế HK và tăng thu ngân sách trong tương lai. Về điểm này, cần để ý lần nữa vài giới hạn quan trọng của việc giảm thuế trên tăng trưởng:
* Giảm thuế doanh nghiệp có tác dụng tăng đầu tư là khả thi nhưng tác dụng chỉ xảy ra trong dài hạn không phải ngắn hạn; cần ít nhất 3-5 năm để thực hiện đầu tư.
* Giảm thuế cá nhân thì có thể có tác dụng tăng cầu ngay, nhưng tác dụng chỉ lớn trong trường hợp nền kinh tế chưa toàn dụng.
* Một điểm cũng nên nói là các nước đang có cuộc chạy đua xuống đáy, giảm thuế để cạnh tranh, nhưng như thế thì phải cắt giảm nhiều các chương trình xã hội. Đây là thách đố lớn cho chính phủ Trump trong 3 năm còn lại khi còn phải tìm sự ủng hộ của QH cho chương trình y tế mới thay cho Obamacare!
Tựu chung, cần nhìn nhận chính sách giảm thuế sắp được QH chấp thuận sẽ cùng với việc cắt bỏ hay giảm các luật lệ trói buộc kinh doanh thời ông Obama, là hai trụ cột chính của chính phủ Trump trong chiến thuật tăng tốc nền kinh tế Mỹ đã được hứa hẹn thời tranh cử. Tuy chỉ mới bắt đầu bằng những kỳ vọng ("expectations") của giới kinh doanh và nhà đầu tư trong năm 2017 đem các chỉ số chứng khoán và tạo việc làm lên những kỷ lục mới, nó hứa hẹn sẽ được tăng cường bởi những biện pháp nâng cao tính cạnh tranh của kinh tế Hoa kỳ trong những ngày tới khi Nhà Trắng được chờ đợi sẽ công bố nhiều chi tiết hơn của chiến thuật "an ninh quốc gia" toàn diện mới được công bố.
Đặc biệt, sẽ bao gồm các biện pháp nhằm chống lại sự cạnh tranh thương mại thiếu công bình của Trung Quốc kể cả việc thao túng tỷ giá, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Mỹ và nhất là bớt đi áp lực của TQ nhằm đòi các hãng HK tiết lộ hay san xẻ các phát minh công nghệ và tin học mới - động chạm cả đến an ninh quân sự mà Mỹ muốn bảo vệ trong giai đoạn mới. Về vấn đề này, cần lưu ý là TQ với các doanh nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ động, sẽ vẫn giữ được thế thượng phong vì họ không phải chạy theo cạnh tranh vì lợi nhuận như ở Âu Mỹ. Ngoài ra, nếu WTO không can thiệp hiệu quả, TQ có lợi thế là tiếp tục ngăn cản các nước khác tiếp cận thị trường nội địa của họ như vẫn làm từ trước đến nay một cách "bất chính".
Ghi chú:
1. Tác giả cám ơn GSTS. Nguyễn Tiến Hưng (Washington D.C.), TS. Đinh Trường Hinh (Virginia) và TS. Vũ Quang Việt (New York City) về một số góp ý quan trọng cho bài viết này.
2. What's in the GOP's final tax plan, by Jeanne Sahadi @CNNMoney , http://money.cnn.com/2017/12/15/news/ec ... +Recent%29