Mỹ, Trung Quốc dè dặt đợi lập trường của tân chính quyền Phi

PostFri May 13, 2016 2:34 pm

VOA - Arts and Entertainment

Các sinh viên Philippines cầm mô hình tàu hải giám của Trung Quốc và hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình gần Malacanang Palace ở Manila, ngày 3 tháng 3 năm 2016.

Khi Philippines chính thức tuyên bố Thị trưởng thành phố Davao Rodrigo Duterte là tổng thống, cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi sát khi chính quyền của ông ta lèo lái một tình hình địa chính trị mà trong đó căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ đang leo thang.


Trong những ngày sau cuộc bầu cử ngày 9 tháng 5, mà theo kết quả kiểm phiếu không chính thức cho thấy một chiến thắng mang tính quyết định của thị trưởng này, Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng rằng một chính quyền mới sẽ nhượng bộ Bắc Kinh để giải quyết những tranh chấp với Manila ở Biển Đông. "Để đưa quan hệ hai nước trở lại đường hướng phát triển vững chắc," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói.


Trong suốt thời gian cầm quyền của Tổng thống Benigno Aquino, Manila và Bắc Kinh đã mâu thuẫn về chủ quyền ở vùng biển giàu tài nguyên này. Manila xác định lập trường mạnh mẽ "cái gì của chúng tôi là của chúng tôi," trong khi Bắc Kinh khẳng định "chủ quyền không thể tranh cãi" của họ đối với vùng biển. Hai bên không thể đạt được đồng thuận trong những cuộc đàm phán song phương, và Bộ Ngoại giao của ông Aquino đã làm Trung Quốc tức giận khi họ đi theo hướng đa phương và đệ đơn kiện lên tòa án trọng tài quốc tế vào năm 2013. Kết quả của vụ kiện dự kiến sẽ được công bố vào tháng sau.


Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã biến những đảo đá tranh chấp - hầu hết trong số đó được nêu ra trong vụ kiện của Philippines – thành những đảo nhân tạo. Trong khi đó Philippines đã tăng cường quan hệ quân sự với Mỹ và Mỹ cũng đã tăng cường sự hiện diện của mình tại vùng biển tranh chấp.


Trong suốt chiến dịch tranh cử của mình, ông Duterte 71 tuổi bày tỏ sự sẵn lòng làm việc trực tiếp với Trung Quốc, đề cập đến sự phát triển chung.


Có lúc ông Duterte nói ông đồng ý với Trung Quốc không tham gia vào vụ kiện vì thậm chí nếu phán quyết có mang tính ràng buộc đi nữa thì cũng không có cơ chế thi hành. Ông ta cũng nói rằng nếu đàm phán song phương không đi đến đâu, ông ta sẽ cưỡi tàu Jet Ski ra đảo đá tranh chấp, cắm cờ của Philippines ở đó và chờ chết như một anh hùng dưới tay của người Trung Quốc.


Thông tín viên của VOA đã nhiều lần liên lạc với những quan chức phụ trách giai đoạn chuyển tiếp của ông Duterte để xin bình luận về chuyện này nhưng không nhận được câu trả lời.


Richard Heydarian, một nhà phân tích địa chính trị tại Đại học De La Salle ở Manila, nói rằng sau những phát biểu cứng rắn, ông Duterte có thể thành công trong việc tạo nên ảnh hưởng có thể nhận thấy được; nhưng ông cũng cảnh báo rằng tổng thống mới đắc cử sẽ phải cho thấy Philippines giữ một khoảng cách nhất định với Mỹ, là nước đồng minh hiệp ước phòng thủ tương hỗ duy nhất của Philippines, trong khi giao tiếp với Trung Quốc.


"Tôi nghĩ rằng việc này sẽ rất khó bởi vì có thái độ bài Trung Quốc rất mạnh ở Philippines. Có một cơ sở an ninh rất thân Mỹ. Và nếu Trung Quốc dại dột lấn tới và xây những cơ sở trên Bãi cạn Scarborough thì tôi nghĩ rằng mọi thỏa thuận sẽ chẳng còn nghĩa lý gì. Sẽ rất khó cho ông Duterte thuyết phục ai tin vào bất kỳ thỏa thuận nào với Trung Quốc."


Carl Baker, giám đốc Diễn đàn Thái Bình Dương của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington, cho biết ngay cả khi ông Duterte cho thấy sự tiếp nhận kém nồng ấm đối với Mỹ bằng những phát biểu cứng rắn trong khi tranh cử, thỏa thuận an ninh mới giữa hai nước cho Mỹ luân phiên điều binh sĩ tới Philippines sẽ vẫn được giữ nguyên, nhờ vào một phán quyết của Tòa án Tối cao đã được đưa ra trước cuộc bầu cử.


"Tôi nghĩ rằng từ quan điểm của Mỹ, họ mừng là sự việc diễn tiến như vậy. Tôi nghĩ từ phía ông Duterte, nó làm giảm một điểm áp lực lớn trong mối quan hệ giữa Mỹ và Philippines vì ông ta không phải đưa ra cam kết. Ông ta gần như có thể để cho việc đó xảy ra khi giới quân sự bắt đầu thi hành nó."


Ngoài những quan hệ an ninh tức thời, ông Baker dự đoán Washington sẽ cảnh giác về bất kỳ vụ vi phạm nhân quyền khả dĩ nào dưới chính quyền Duterte. Ông nói Mỹ sẽ giữ lập trường là "chờ và xem" liệu những lời lẽ trong chiến dịch tranh cử có trở thành hiện thực hay không và nếu có, ông nói rằng Mỹ có thể sẽ nêu lên mối lo ngại nghiêm trọng của mình về những vụ vi phạm nhân quyền và giết người ngoài vòng pháp luật.


Ông Duterte tranh cử với lời hứa rằng giống như ở thành phố miền nam Philippines nơi ông ta làm thị trưởng, ông ta sẽ giết hết tội phạm. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ủy ban về Nhân quyền của Philippines lần ra hơn 1.400 vụ giết người ngoài vòng pháp luật ở Davao trong khoảng thời gian 17 năm cho đến năm 2015. Trong những bài phát biểu đầy lời lẽ tục tĩu, ông Duterte đôi lúc khích bác những người ủng hộ nhân quyền hãy chỉ trích ông ta và đôi lúc nói rằng việc diệt trừ hết tội phạm trong nước sẽ được thực hiện trong giới hạn luật pháp.


Trong khi nhóm phụ trách giai đoạn chuyển tiếp của ông Duterte đang tập trung vào những cách thức nhằm thúc đẩy nền kinh tế trong nước và mở rộng tầm với của mình ra khỏi những trung tâm đô thị, những nhà quan sát quốc tế sẽ để ý tới cách thức mà chính quyền mới xử lý đầu tư nước ngoài. Năm ngoái, Philippines chứng kiến đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất ở mức 6 tỉ đôla. Tuy nhiên con số này vẫn đặt Philippines sau những nước láng giềng Đông Nam Á có nền kinh tế với quy mô tương tự.


Chủ tịch Ngân hàng Philippine Veterans và là cựu bộ trưởng tài chính, Roberto de Ocampo, cho biết ông nghĩ rằng việc ông Duterte đưa ra tín hiệu sẽ sửa đổi hiến pháp để giúp mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài "là một tín hiệu rất tốt."


"Đó là điều mà cộng đồng doanh nghiệp lâu nay vẫn thúc đẩy thậm chí dưới chính quyền hiện tại. Và có lẽ với một tổng thống mới, nó có thể có hiệu ứng tuần trăng mật và tiếp nữa."


Những giới hạn hiến định về sở hữu của nước ngoài là một trong những yếu tố mà từ đầu đã ngăn Philippines cân nhắc tham gia thỏa thuận thương mại đa phương mới của Mỹ, Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương.


Hiến pháp định ra nhiều giới hạn về sở hữu của nước ngoài, bao gồm rào cản lớn nhất đối với những nhà đầu tư nước ngoài còn do dự là 60 phần trăm sở hữu địa phương bắt buộc trong những lợi ích của nước ngoài. Tuy nhiên hai năm trước, chính quyền Aquino đã nới lỏng quy định này cho những ngân hàng nước ngoài.


NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 1232 guests

cron