Việt Nam lên tiếng ủng hộ hợp tác trên biển theo luật pháp quốc tế sau khi Trung Quốc đề nghị hai bên cùng khai thác để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.
Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Vương Nghị đưa ra đề nghị trên với phía Việt Nam trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại TP HCM hôm 16/9, truyền thông trong nước cho biết.
Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển.
Ông Vương Nghị nói cách tốt nhất để kiểm soát bất đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc là “cùng hợp tác để khai thác” trong vùng biển tranh chấp.
Ngày 20/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng được Đài Tiếng nói Việt Nam trích lời nói “chủ trương nhất quán của Việt Nam là ủng hộ hợp tác trên biển theo đúng các quy định và định chế của công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982.”
Bà Hằng nói chủ trương này phù hợp với quyền và lợi ích của Việt Nam, và đồng thời tôn trọng quyền và lợi ích của các bên liên quan.
“Việt Nam hoan nghênh hợp tác giữa các quốc gia, trong đó có các hợp tác về biển,” người phát ngôn cho biết.
Trong chưa đầy một năm qua, Việt Nam đã hai lần phải dừng các dự án khoan thăm dò dầu khí trên Biển Đông với đối tác Tây Ban Nha vì sức ép của Bắc Kinh.
Trong phiên họp lần thứ 11 của Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc hôm 16/9, ông Vương – cũng là Ngoại trưởng Trung Quốc, đề nghị hai bên “kiểm soát tốt bất đồng trên biển” và “không có hành động làm phức tạp tình hình” cũng như “mở rộng tranh chấp” để duy trì hòa bình và ổn định trên Biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết diện tích theo đường ‘lưỡi bò’ 9 đoạn do chính họ vạch ra.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 20/9, đây là những thỏa thuận đã đạt được tại cuộc họp giữa các lãnh đạo hai nước, và Việt Nam đã nhất trí với thỏa thuận về “những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển.”
Mặc dù Việt Nam và Trung Quốc cam kết cùng hợp tác trên Biển Đông trong các cuộc gặp giữa các nhà lãnh đạo hai nước hồi đầu năm ngoái, khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Bắc Kinh, và cuối năm ngoái, khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội, nhưng vẫn xảy ra những căng thẳng giữa hai bên về vấn đề Biển Đông, nhất là trong những tháng gần đây.
Vào trung tuần tháng 4, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã hai lần lên tiếng phản đối các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông sau nhiều tháng im lặng trước các động thái bành trướng của Trung Quốc. Gần đây nhất vào ngày 23/8, Việt Nam lên tiếng phản đối trước dấu hiệu cho thấy Trung Quốc hình như đã đưa vũ khí hạt nhân ra các đảo nhân tạo mà họ đã xây trong Biển Đông. Trước đó trong tháng, Bộ Ngoại giao Việt Nam yêu cầu Trung Quốc dừng kỷ niệm 6 năm thành lập ‘thành phố Tam Sa.’
Hà Nội không loại trừ khả năng gác tranh chấp, cùng khai thác trên Biển Đông với các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.
Theo các học giả, Việt Nam thường tránh xung đột với Trung Quốc vì muốn duy trì quan hệ chính trị và kinh tế chặt chẽ với quốc gia này.
Hồi tháng 4, Giáo sư Carl Thayer của Đại học News South Wales nói với VOA rằng Việt Nam có thể phải kiềm hãm các quan điểm thù địch với Trung Quốc ở trong nước để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với nước láng giềng phương Bắc.
Tại một hội thảo thường niên về Biển Đông tổ chức tại Washington hôm 26/7, một quan chức cấp cao của Học viện Ngoại giao Việt nam, Đỗ Thanh Hải, cho VOA biết Hà Nội không loại trừ khả năng gác tranh chấp, cùng khai thác trên Biển Đông với các bên liên quan, trong đó có Trung Quốc.
Tuy nhiên, Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam đã lên tiếng cảnh báo khi trả lời phỏng vấn báo chí trong nước về những “cạm bẫy” mà Trung Quốc cài cắm trong chiến lược ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ có thể khiến Việt Nam gặp khó trong việc bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông.
Hiện chưa rõ làm thế nào Việt Nam có thể ‘gác tranh chấp, cùng khai thác’ với Trung Quốc nhưng theo ông Đỗ Thanh Hải, Hà Nội khẳng định sẽ không chấp nhận bất cứ sự áp đặt nào.