Người Việt uống bia quá đà, Tổ chức Y tế Thế giới lo ngại

PostWed Sep 05, 2018 7:53 am

VOA - Arts and Entertainment


Cơ quan chuyên trách về y tế toàn cầu của Liên Hợp Quốc mới gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bày tỏ quan ngại về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn ở mức “báo động”, trong khi đó, tin cho hay, người Việt tiêu thụ trên 4 tỷ lít bia năm 2017.


Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam “đã dẫn tới 79.000 ca tử vong trong năm 2016”, và “hàng trăm nghìn người khác phải nhập viện điều trị”.


Tổ chức này cũng cho rằng việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở mức có hại “là yếu tố chính, góp phần vào gánh nặng các bệnh không lây nhiễm”, cũng như “gây tai nạn giao thông đường bộ, bạo lực và thương tích”.


Ông Nguyễn Phương Nam, chuyên gia của WHO tại Hà Nội, cho VOA tiếng Việt biết rằng “mức tiêu thụ rượu, bia của người Việt khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực” và “97% tổng lượng tiêu thụ đồ uống có cồn ở Việt Nam là bia”.


Ông Nam cho hay, “lượng tiêu thụ trung bình của mỗi người Việt Nam trên 15 tuổi là 8,3 lít đồ uống có cồn trong năm 2016”.




Nam giới Việt Nam đang tiêu thụ rượu, bia ở mức "nguy hiểm".

Ông nói thêm rằng, theo một cuộc điều tra về nguy cơ đối với các bệnh không lây nhiễm năm 2015 ở Việt Nam, hơn 44% nam giới tiêu thụ rượu bia ở mức nguy hiểm, tức gần tăng gấp đôi so với con số hơn 25% năm 2010.


“Các quốc gia khác trong khu vực có mức tiêu thụ trung bình thấp hơn nhiều như Mông Cổ (7,4 lít), Trung Quốc (7,2 lít), Campuchia (6,7 lít), Philippines (6,6 lít) và Singapore (2 lít)”, chuyên gia người Việt nói.


Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát, từng được báo chí trong nước trích lời nói rằng số lượng bia tiêu thụ ở Việt Nam năm 2017 là trên 4 tỷ lít.


Ông Shin Young-soo, Giám đốc phụ trách khu vực Tây Thái Bình Dương của WHO, mới đây đã gửi thư tới Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.


Ông Martin Vandendyck, chuyên gia về vấn đề lạm dụng chất gây nghiện của WHO, cho VOA tiếng Việt biết rằng lá thư của ông Young-soo kêu gọi Việt Nam “nhanh chóng đánh giá và thông qua dự luật về phòng chống tác hại của bia rượu”.


Tin cho hay, dự luật này dự kiến sẽ được Quốc hội Việt Nam mang ra thảo luận trong kỳ họp vào tháng tới.


“Chúng tôi đã chứng kiến sự gia tăng các cuộc tham vấn và thảo luận về dự luật của chính phủ và các cơ ủy ban liên quan của Quốc hội. Đây có thể là một chỉ dấu cho thấy chính phủ Việt Nam đã xem xét các đề xuất trong lá thư [của ông Young-soo]”, ông Vandendyck nói.


Tổ chức Y tế Thế giới đã kiến nghị Việt Nam “thực hiện các biện pháp hiệu quả” như có chính sách giá đối với đồ uống có cồn vì “các bằng chứng cho thấy việc tăng giá rượu, bia có tác dụng giảm việc sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại của những người uống rượu nói chung và thanh thiếu niên nói riêng".


Ngoài ra, WHO cũng khuyến nghị Hà Nội đưa ra các “quy định về mật độ các điểm bán rượu, bia qua cơ chế cấp phép nghiêm ngặt; hạn chế số ngày và giờ được phép bán rượu, bia; và quy định độ tuổi tối thiểu được mua hoặc sử dụng đồ uống có cồn” cũng như có các chính sách về tiếp thị, quảng cáo sản phẩm rượu, bia.


Bộ Y tế Việt Nam hồi tháng Tư năm nay đã đề xuất 3 phương án giờ cấm bán rượu, bia, có thể từ 22 giờ đêm hôm trước tới 6 giờ sáng hôm sau, trừ một số khu vực nhất định.


Theo báo chí Việt Nam, dự luật đã gây ra các tranh luận “nảy lửa” cũng như “vấp phải sự phản đối của các doanh nghiệp kinh doanh rượu, bia”.




Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng".

WHO cho biết “sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và các đối tác, cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách để ngăn chặn và phòng ngừa sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại ở Việt Nam”.


Trong một cuộc họp mới đây với WHO, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng “việc sử dụng rượu, bia ở Việt Nam đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe người dân và cộng đồng”.


Theo Tiến sỹ Kidong Park, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam, “tổng thiệt hại về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia ở Việt Nam tương đương khoảng 1,3 – 3,3% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)”.


Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, GDP của Việt Nam năm 2017 đạt 220 tỷ đôla, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được báo chí trong nước dẫn lời hy vọng sẽ nâng con số đó lên 300 tỷ đôla vào năm 2020.

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Văn Nghệ Và Điện Ảnh - Arts and Entertainment

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 126 guests

cron