Người Úc giúp thuyền nhân Việt bị hồi hương

PostSat Sep 03, 2016 7:16 pm

VOA - USA


Một phụ nữ Úc đứng ra lập quỹ giúp đỡ một bà mẹ trẻ vượt biển sang Úc tị nạn, bị hồi hương, và bị Việt Nam kết án tù về tội danh ‘tổ chức người khác trốn đi nước ngoài trái phép.’


Ghe đánh cá của vợ chồng chị Trần Thị Thanh Loan, sinh năm 1974, chở 46 người vượt biển qua Úc bị hải quân nước này chặn bắt và trả về Việt Nam ngày 18/4 năm ngoái sau gần 1 tháng rưỡi khởi hành từ thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.


Bất chấp những hứa hẹn từ phía Việt Nam rằng sẽ đối xử nhân đạo với nhóm người tị nạn bất thành, chồng chị Loan cùng một số người khác vừa về nước đã bị bắt giam. Tháng tư năm nay, vợ chồng chị cùng hai người khác chính thức bị tuyên án tổng cộng 10 năm tù. Đến tháng bảy, tòa phúc thẩm y án, trong đó chồng chị lãnh 2 năm tù, còn chị bị 3 năm tù, để lại bốn đứa con nhỏ tuổi từ 3 đến 15 không cha mẹ, không nhà ở, không nơi nương tựa.


Chị Shira Sebban. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Chị Shira Sebban. (Ảnh do nhân vật cung cấp)


Hoàn cảnh đáng thương của gia đình người tị nạn bị hồi hương này đã lay động trái tim một phụ nữ tại Úc, đích đến hụt của chị Loan. Chị Shira Sebban đã lập quỹ Gofundme trên mạng, quyên góp được 10 ngàn đôla Úc, nhận cấp dưỡng 4 đứa con thơ của chị Loan hàng tháng cho đến khi vợ chồng chị mãn án.


Chị Shira chia sẻ:


“Tôi theo dõi trường hợp của chị Loan từ báo chí. Có một bài viết về chị trên tờ Australian. Qua đó cho biết chị kháng cáo về bản án dành cho vợ chồng chị và lo lắng rằng cả vợ chồng đi tù thì không còn ai chăm sóc 4 đứa con thơ, ắt chúng phải thôi học và vào viện mồ côi. Tôi thật sự rất bức xúc nên đã lên Facebook tìm cách liên lạc với người bảo vệ pháp lý của chị Loan là luật sư Võ An Đôn tại Việt Nam, và nhờ làm cầu nối liên lạc với chị. Tôi rất quan tâm đến hoàn cảnh những người tị nạn. Nhiều người Úc hiện nay cũng đã từng là người tị nạn tới Úc bằng nhiều phương tiện khác nhau, vào nhiều thời điểm khác nhau. Chúng tôi được đất nước này dang tay đón nhận. Cho nên, tôi nghĩ chúng tôi phải mở rộng tấm lòng giúp những người trong tình cảnh nguy nan, ngặt nghèo. Mỗi tuần tôi đều tới thăm trung tâm giam giữ người tị nạn tại Sydney này. Tôi rất thương cảm hoàn cảnh của họ và không đồng ý với lập trường của nhà chức trách Úc, nhưng tiếc là quan điểm của tôi không nằm trong khối đa số. Tôi thắc mắc tại sao họ cứ tiếp tục gửi trả người tị nạn về nước trong khi giờ đây đã biết rõ là họ sẽ bị trừng phạt. Chính phủ Úc nói không tiếp nhận người tị nạn vì lý do kinh tế. Nhưng trong trường hợp chị Loan, chị nói rằng chị vượt biên vì 3 lý do: thứ nhất, bị chính quyền cướp đoạt đất đai; thứ hai, chồng chị đi đánh bắt ngoài khơi bị hải tặc Trung Quốc cướp bóc; và thứ ba là gia đình chị bị đàn áp tôn giáo. Trường hợp chị Loan không chỉ vì lý do kinh tế mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Cho nên, theo tôi, Úc nên dành cho những người tị nạn cơ hội trình bày hoàn cảnh.”





Em rất mong quốc tế lên tiếng cho Việt Nam xóa bỏ những điều luật đó để có nhân đạo, nhân quyền cho người Việt Nam, để cho cuộc sống tốt hơn, chứ như vầy ngày càng tệ hại.






Luật sư Võ An Đôn, người bảo vệ pháp lý miễn phí cho chị Loan, cho biết:


“Theo quy định pháp luật Việt Nam, chỉ những người tổ chức chuyến đi mới bị xử lý hình sự, những người còn lại chỉ bị phạt hành chính. Người ta vượt biên vì điều kiện kinh tế, hoàn cảnh khó khăn, những người này đa số dân lao động, trình độ học vấn lớp 1, lớp 2. Họ chỉ mong muốn được thay đổi cuộc sống thôi, mà Việt Nam phạt tù vậy là quá nặng. Phạt tù hết cả hai vợ chồng, bỏ 4 đứa con lại không người chăm sóc thì không mang tính nhân đạo của luật pháp. Bị bắt phạt tù như vậy, tôi nghĩ chính phủ Úc nên nhận họ lại tị nạn thì hay hơn vì những người này có hoàn cảnh rất khó khăn, bán hết tài sản, nhà cửa để sắm phương tiện đi vượt biên. Giờ họ trắng tay hết, rất khổ cực.”


Mẹ con chị Trần Thị Thanh Loan. (Ảnh: Facebook Võ An Đôn)

Mẹ con chị Trần Thị Thanh Loan. (Ảnh: Facebook Võ An Đôn)


Thuyền nhân Việt vượt biên tị nạn từng phổ biến vào thập niên 70, 80, hay 90 sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc, nhưng là chuyện hiếm hoi trong thế kỷ 21 này vì những quy định khắt khe và đa số đều bị hồi hương. Vì sao gia đình chị Loan lại liều mình vượt biển bất chấp những rủi ro tù tội?


Bà mẹ trẻ tâm sự:


“Mẹ chồng cho em miếng đất cất nhà. Em đang xây lên nửa chừng, công an xuống nói đây là đất quy hoạch rồi cho người cưỡng chế, đập phá, lấy hết. Hoàn cảnh khó khăn nên em không có điều kiện thưa kiện, vả lại, người ta có quyền, có chức, mình không có gì kiện sao lại? Nhà em có ghe, đi đánh bắt xa bờ thì bị hải tặc cướp. Khi không bị cướp thì về còn đôi chút, còn khi bị cướp là về lỗ, nợ chồng chất, càng ngày càng thua lỗ. Thấy vậy em mới tìm cách vượt biển qua Úc. Em đi ngày 8/3/2015, tới Úc sau 13 ngày. Lúc họ trả về tới cảng Vũng Tàu là ngày 18/4/2015. Tàu hải quân Úc chặn bắt tụi em. Tụi em vẫn trên ghe đúng một tuần, sau đó có bão họ mới cho tụi em qua bên tàu của Úc ở luôn tới ngày về. Trên tàu Úc, họ đối xử rất tốt, cho ăn uống đầy đủ, bác sĩ đầy đủ, em bé vẫn có sữa uống. Lúc đó, tụi em có van xin đừng trả tụi em về vì nếu về tụi em sẽ đi tù. Có năn nỉ nhưng chỉ ra hiệu thôi chứ đâu nói được tiếng Anh. Về đến cảng Vũng Tàu, công an K18 của Việt Nam lên cầm micro đọc là ‘Chúng tôi hân hạnh đón tiếp 46 thành viên đã về đến Việt Nam an toàn. Chúng tôi xin hứa không bắt bớ, tù đày mà sẽ tạo công ăn việc làm cho các bạn, cho con em đến trường hòa nhập với cộng đồng.’ Nói rồi, công an đưa tụi em từ Vũng Tàu về La Gi lấy lời khai. Xong họ cho phụ nữ, trẻ em về. Còn đàn ông thì họ đưa ra Phan Thiết nhốt tới 10 ngày lấy lời khai. Khi chồng em được thả về, địa phương gọi kêu về sẽ được ‘tạo quyền lợi gia đình’. Lúc hai vợ chồng em về là họ còng anh đi luôn, giam luôn. Em không được gặp mặt cho tới 10 tháng sau khi ra tòa. Đã cam kết với Úc là không bắt bớ, tù đày, tạo điều kiện mà giờ lại bắt, kêu án chồng em 2 năm, em 3 năm, thiệt quá nặng.”


Khi được hỏi vì sao chọn Úc là đích đến, chị Loan nói gần nhà chị cách đây vài năm cũng có người đi như thế và cho biết qua đó được tự do, con cái được học hành chu đáo.


Chị bày tỏ nguyện vọng:


“Em mong muốn Úc can thiệp cho gia đình tụi em để chồng em sớm được về đi làm nuôi con, và em khỏi tù đày để ở nhà chăm các cháu. Các cháu còn nhỏ lắm chị ơi. Tội nghiệp cho các cháu lắm chị à. Bây giờ tụi em có van xin thì bên Việt Nam cũng không tha thứ đâu. Tụi em lúc đó chỉ nghĩ là đi khỏi Việt Nam để thay đổi cuộc sống vì quá khổ. Chèn ép quá nên em mới bất chấp ra đi. Nhiều người Việt Nam bị trả về, họ cũng bị như vậy hết. Em mong muốn được can thiệp cho các cháu đỡ lo, chứ bây giờ đối mặt với chính quyền, các cháu sợ lắm. Hàng ngày, các cháu rưng rưng nước mắt. Thấy công an tới, hoảng hốt, sợ hãi lắm chị. Em rất mong quốc tế lên tiếng cho Việt Nam xóa bỏ những điều luật đó để có nhân đạo, nhân quyền cho người Việt Nam, để cho cuộc sống tốt hơn, chứ như vầy ngày càng tệ hại.”


Về nghĩa cử cao đẹp của chị Shira dành cho các con chị, chị Loan không dấu được nỗi xúc động trong lời cảm kích:


“Họ là người nước ngoài mà họ dang tay cứu em vậy, em rất cảm động. Tấm lòng của họ rất quý báu. Em rất cảm ơn. Em chân thành cảm ơn bà Shira và Úc đã cưu mang, giúp đỡ trong lúc hoàn cảnh em khó khăn lúc này.”


Đầu tháng 8 này, chị Loan vừa được lệnh hoãn thi hành án 1 năm để chăm sóc con nhỏ, chờ ngày chồng ra tù để bắt đầu thi hành bản án 3 năm của mình.


Câu chuyện của chị Loan là một câu chuyện thuyền nhân thời hiện đại, điều đáng suy gẫm cho luật pháp và xã hội Việt Nam đầy rẫy những bất công và cay đắng và là một kết cục buồn cho gia đình chị. Kết cục ấy sẽ càng thương tâm hơn nếu không có những vòng tay nhân ái như luật sư Đôn từ Phú Yên, những tấm lòng cảm thương ‘vượt biên’ để san sẻ như chị Shira Sebban từ Úc.


Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn và tường trình

NewsReporter
 
Posts: 88122
Joined: 05/16/2011

Return to Tin Hoa Kỳ Và Thế Giới - USA And World News

Who is online

Users browsing this forum: No registered users and 33 guests

cron